Sau đây tôi sẽ chia sẻ cùng các bạn những gì tôi đã thu nhập và học hỏi về ẩm thực của khu vực Miền Tây trong 3 tháng vừa qua.
Tôi cũng hy vọng rằng nếu có những thông tin về ẩm thực mà các bạn biết, hãy cùng tôi chia sẻ cho mọi người biết.
Cuộc hành trình vừa qua cũng cho tôi thấy, ẩm thực dân gian của chúng ta thật là phong phú, nhưng thật tiếc có vài món ăn đã đi vào dĩ vãng, đơn giản vì vấn đề môi trường. Cũng có một số món ăn, sẽ dần dần biến mất khỏi thực đơn của người thường dân hay kém đi về mặt chất lượng bởi vật giá leo thang vùn vụt.
Một điều nữa đáng kinh khủng, đó là việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp một cách thiếu kiểm soát.
Theo tôi nghĩ dù bạn ăn mặn hay ăn chay, các nguyên liệu cần dùng khi chế biến món ăn, không còn tinh khiết như xưa nữa.
Tỉnh đầu tiên của khu vực Miền Tây tôi đi ngang qua đó là Long An, tại tỉnh này tôi không thấy được món gì hấp dẫn để chia sẻ.
Tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Tỉnh Đồng Tháp.
Tôi ăn dĩa bánh ướt này ngay chợ Đồng Tháp. Tại nơi đây tôi không tìm ra được món gì lạ.
Tôi nghe quảng cáo nhiều về Rượu Sen, một đặc sản khu Gò Tháp. Tôi đến nơi đó để tìm hiểu thì mới biết đây là sản phẩm của một công ty, chỉ mới thành lập cách đây 2 năm. Đây không phải là một đặc sản dân gian, nên tôi lại đi tiếp.
Người Miền Tây họ uống ngọt lắm, quán này cho tôi một lượng sữa khá khủng hoảng. Ly cà phê sữa ở đây theo tôi là ly bạc sỉu. Không sao cả, tôi đang đạp xe, tôi cần nhiều năng lượng
Tại Đồng Tháp, sen là một sản phẩm giúp cho người dân kiếm thêm thu nhập. Nhưng tôi thấy ít có món ăn nào tại nơi đây, họ lại tận dụng hạt sen. Hạt sen chủ yếu là bán đi các nơi khác.
Lẩu Gà Nòi tại Cao Lãnh, đường Nguyễn Thái Học, quán 111.
Lẩu gà nòi hay lẩu vịt xiêm nấu với satế và sả
Thành phần trong lẩu: gà, củ cải, sả, satế, nấm.
Dĩa rau: mồng tơi, rau muống, cải xanh, cải trời và mướp.
Ăn kèm: miến, mì gói và hột vịt lộn.
Chấm với muối ớt rang, vắt thêm tắc.
Tôi ăn thấy cũng ok, nêm nếm vừa ăn, chỉ có điều là, có miếng gà mềm, miếng gà thì dai quá. Tôi đã ráng nhai, mà nhai không nổi vậy mà còn bị dính răng, cậy mãi mới ra.
Quán này đông khách lắm, vì là quán ăn gia đình, nên mấy đứa nhỏ chạy bàn có thiếu sót thì thông cảm nhá. Quán hơi dơ (vào toilet mà ra lại là thôi ăn luôn), nhưng giá cả thì cực bình dân. Tôi ăn một cái lẩu 90 ngàn+ thêm 1 dĩa hạt sen luộc 15 ngàn và 1 hột vịt lộn 6 ngàn. Cậu bé chạy bàn tính 110 ngàn, khuyến mãi cho chú 1 ngàn. Nhớ một điều là khi đi ăn quán này đừng mặt quần sọt hay mini zíp nhá, muỗi cắn chết bà luôn.
Tham quan khu vực chợ Cao Lãnh.
Khu ăn uống khá mịt mù.
Tương đối trật tự. Chợ nằm xa trục lộ chính, không gây ùn tắc cho giao thông.
Bánh Tầm, có người cũng viết là Bánh Tằm.
Ông bán bún cho tôi biết là bánh tầm cũng làm từ một loại bột làm bún mà thôi, chỉ có cọng bánh tầm là to hơn cọng bún một chút.
Khát nước quá, tôi uống một ly Sương Sâm cho mát.
Ăn thêm một cái Bánh Chuối Hấp có nước cốt dừa.
Ngon lắm.
Dĩa Cơm Thịt Nướng buổi trưa tại chợ, với 2 phần thịt chỉ có 25 ngàn.
Bánh Bò
Quên dặn rồi, họ lại cho sữa nhiều quá.
Nghe lời giới thiệu của một số người. Tôi chạy qua bên Mỹ Ngãi ăn thử món Bánh Tằm ở đây. Mới xế chiều mà quán đã đông người đến mua mang về. Tôi phải đợi một chút mới tới lượt tôi.
Món Bánh Tầm tại quán này lại không có nước cốt dừa.
Trong các tỉnh Miền Tây, tại các thành phố lớn, hầu như nơi đâu cũng có cơ sở bánh mì Hồng Ngọc. Tại Cao Lãnh, ổ bánh mì chất lượng này trị giá chỉ 5 ngàn mà thôi.
Khu ăn đêm.
Tôi cũng không ngờ món Riêu Cua của người Bắc lại được các bác Miền tây ưa thích đến thế. Nơi đâu tôi thấy cũng bán món này, phải ghé vào ăn thử.
Hơi khác tô bún của người Bắc, có cả thịt và huyết heo. Mỗi tô chỉ có 15 ngàn. Tôi ăn ở quán này là trước khi đến bến phà Cao Lãnh.
Tại Sa Đéc, tôi thấy quán Vịt Quay này hấp dẫn quá.
Trước kia tôi đã thấy một quán tương tự như thế này tại Mỹ Tho, gần Long Xuyên.
Hôm đó tôi bỏ lỡ cơ hội.
Trưa nay tôi đang đói, tôi không ngần ngại ghé vào. 1/2 con vịt 90 ngàn. Thưởng thêm một chai bia.
Khu chợ đêm, chẳng có gì lạ cả.
Nhờ thông tin của Phuongdiver, mà tôi tìm mãi không ra được quán Văn Vĩ, trước kia nổi tiếng với món Hủ Tiếu Sa Đéc. Hỏi tới hỏi lui; thì ra, quán này đã dẹp lâu rồi, người ta mới hướng dẫn lại một quán cũng người trong gia đình nấu. Quán nằm ngay đầu hẻm, trên đường Thống Nhất hay giờ đây gọi là Nguyễn Tất Thành, cũng ngay góc đường mà quán Văn Vĩ nằm trước kia. Quán có tên là Ông Bảy
Hủ Tíu Sa Đéc, đặc biệt sợi hủ tíu tại đây chỉ hơi dai và mềm mại, còn cách nấu nồi nước lèo thì tôi thấy cũng giống kỹ thuật các nơi khác mà thôi. Lần đầu tiên tôi ăn hủ tíu khô được trình bày trên dĩa.
Tàu Hũ và nước đậu nành. Mỗi khi đạp mệt, tôi thích uống ly nước mía, sữa đậu nành... bất đắc dĩ tôi mới uống nước ngọt trong chai.
Nhiều nơi của khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, ngày nay người dân vẫn sinh hoạt hằng ngày bằng nước sông, ôi khiếp quá.
Ở Sa Đéc tập trung nhiều vựa lúa lớn lắm, một kho gạo khổng lố của VN.
Tôi cũng ráng tìm tới quán Hủ Tíu Mực Cầu Đốt, ai ngờ nơi đó cũng không còn bán nữa. Tôi ghé lại một quán hủ tíu gần đó và gọi tô Hủ Tíu Mực. Thật tệ, vị nước lèo cũng y chang như Hủ Tíu Sa Đéc mà tôi ăn lúc sáng. Nước lèo cũng nấu bằng mực khô, tôm khô, củ cải và xương heo. Chỉ có khác nhau là mực hay heo mà thôi. Tô hủ tíu tôi ăn ở đây cũng rẻ lắm, chỉ với giá 18 ngàn mà thôi.
Tôi có thấy một nơi bán Lẩu Cua Đồng, hỏi ra là 120 ngàn một phần cho 4 người ăn, mà nhậu một mình thì buồn chết.
Thôi tối nay ăn tạm tô mì
Món ăn sáng tại Sa Đéc nơi đâu cũng là Hủ Tíu. Ăn thêm một tô nữa, cũng nhận xét thấy là sợi hủ tíu ngon. Có thể nơi đây là kho lúa khổng lồ, họ có nhiều loại gạo ngon, nên mới làm ra sợi hủ tíu ngon.
Khu vực chợ không có gì đăc biệt cả.
Ah, đây rồi, nhưng mình đâu có quen ai ở đây mà mua về làm nhỉ? Chuột
Tìm mãi cho tới tối, tôi cũng tìm được món Lẩu Cua Đồng. Món này tôi đã không ăn khi ở Sa Đéc, nên lúc này đói lắm rồi, phải thử thôi.
Cái lẩu ở đây ngon tuyệt vời, miếng riêu cua không biết họ làm thế nào mà trông tròn vo thật đẹp mắt, ăn vào thì rất mềm mại, tôi có cảm giác như miếng riêu tan trong miệng.
Dĩa thịt thì hơi nghèo nàn, chỉ có mực và ít thịt heo cùng cuống họng heo.
Trong dĩa rau có thêm 3 loại rau rừng, coi như là một loại thuốc, mà họ hái từ phía bên kia cồn: đọt nhãn,
lá the và lá diệu.
Cô chủ quán rất vui vẻ. Quán nằm ngay bãi đất trống đang chờ thời tại khu phố mới. Cái lẩu 100 ngàn cộng thêm gói mì gói 5 ngàn, no căng bụng luôn.
Trước khi chào từ giã Hồng Ngự, tôi phải chạy ra khu chợ cũ để tìm cho được nơi bán Bún Cá mà cô Haianh có tiết lộ trong mục ẩm thực.
Mà tôi lại gặp xui rồi, không biết vì lý do gì mà sáng nay cô chủ quán lại không bán.
Đành phải tìm tạm món gì đó lót bụng.
Rời Đồng Tháp, tôi đi tiếp qua An Giang.
Nuôi rắn nước ở Tân Châu.
Cảnh đồng quê đẹp quá.
Tại tt Phú Mỹ, trước khi tôi xuống bến phà Thuận Giang, tôi thấy một làng họ chuyên làm các lọai bánh phồng.
Tôi ghé Chợ Mới chỉ vì món Xôi Chiên Phồng mà tôi đọc trên các báo chí trên mạng. Thật ra là quán Kim Hương chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm đông lạnh của họ. Chứ không phải là một quán ăn mà tôi tưởng tượng.
Cô chủ quán cũng vui vẻ chiên vài cái xôi cho tôi ăn thử.
Những lời ca ngợi nào là món này dùng chung với gà nướng thì ngon tuyệt, thì giờ đây tôi chỉ thấy chút ít thịt chà bông, cộng thêm một chút tương ớt toàn là phẩm đỏ.
Mấy bác nhà báo chơi tôi đau quá.
Thêm một sản phẩm đông lạnh của họ.
Mỗi một bịch dừa nước chỉ với giá 10 ngàn, làm được 2 ly nước. Nhưng thấy quá trình họ làm, thật đáng nể, một người bẻ trái ra từng trái, người kia chẻ trái dừa nước ra làm đôi, rồi người thứ ba lấy muỗng nạy lấy nhân dừa, nếu còn dính sơ, là phải mất thêm công là gọt cho sạch. Cuối cùng là bỏ vào từng bịch nylon.
Tại chợ Long Xuyên.
Ở Long Xuyên tôi thấy có rất nhiều người Hoa. Rất nhiều nơi bán nước sâm.
Lề đường bị lấn chiếm và tấn công ra tới lòng đường. Một nét văn hóa mới?
Chợ Long Xuyên có một kiến trúc khá đẹp mắt, nhưng các sinh hoạt xung quanh chợ thì rất là bát nháo.
Chở hàng mà tôi cứ tưởng như họ làm xiếc, hihi.
Súp cua di động.
Sinh hoạt tại chợ, thật nhộn nhịp. Tôi rất thú vị khi đi thăm quan chợ và bà tám với mấy bà bán hàng.
Ngó sen.
Đồ chua, thấy hấp dẫn ghê, nhưng màu xanh của những quả dưa leo trông dữ dằn quá.
Tôi rất thích cảnh chợ búa, phần đông ai nấy cũng dễ chịu, khi tôi xin phép chụp tấm hình.
Rổ đầu tiên bên tay trái là củ ngải bún, một trong những gia vị quan trọng trong món bún nước lèo, bún cá hay còn gọi là bún mắm.
Tham quan khu chợ nổi Long Xuyên.
Không có gì hấp dẫn cả, buổi chiều họ đã nghỉ họp chợ.
Họ đang chuẩn bị bữa cơm chiều.
Chợ nổi nằm cách chợ Long Xuyên khoảng 10 phút đi đò máy.
Quán nước trên sông.
Tôi chưa hề thấy một thành phố nào, mà lại có nhiều nơi bán món cháo như đây. Vậy đây coi như là món khoái khẩu và đặc trưng của vùng đất này.
Tôi không hạp món cháo, nhưng cũng phải thử cho biết. Cháo đậu đen, nước cốt dừa, tôm ram và cá lóc kho.
Tôm ram, cá cơm tẩm gia vị sấy khô và cá lóc kho, những món ăn kèm cùng với cháo. Họ cũng có thêm hột vịt muối nữa. Nếu bạn kêu một tô cháo vịt, có nghĩa là cháo và hột vịt muối.
Nhìn thấy hấp dẫn quá, ăn thử gói cốm.
Tại Long Xuyên tôi thấy cũng có môt số đông dân cư là người Hoa, vì thế khi thấy món Giò Heo Tiều tôi cũng muốn thử cho biết, vì món này xa lạ đối với tôi.
Tôi thấy món này cũng gần giống Mì Vịt Tiềm. Thịt giò được ướp với thuốc bắc, rồi đem chiên sơ qua, sau đó đem hầm cho vừa mềm. Lúc ăn thì dùng chung với mì, giá và cải thêm một chén nước súp, chấm với xì dầu ớt.
Nơi đâu cũng có nhiều quán cơm tấm. Tôi thấy cơm tấm ở đây chính mới là hạt tấm, cứ nhỏ li ti. Tôi nhận xét thấy An Giang mới đúng là nơi xuất xứ của món cơm tấm.
Bánh trong bịch gọi là bánh cuốn. Bánh được tráng dày hơn bánh ướt, chỉ có là bột bánh có pha ít bột mì và bột nếp,cho bột bánh hơi dai dai. Ngoài ra bột bánh cũng có nước đường và để có một màu xanh đẹp, họ cho thêm nước dứa. Khi tráng bánh xong, họ cho vào giữa ít nhân đậu xanh và dừa nào rồi đem cuộn lại. Mỗi cái bánh như thế là 2 ngàn đồng.
Đây chỉ là rắn hổ hành thôi. Một loại rắn tương đối rẻ, dành cho thường dân thôi
Đây là một món bà chủ nhà tự làm, để phục vụ cho các em học sinh. Vỏ bánh làm bằng khoai môn bào trộn với ít bột mì. Nhân bánh thì được làm bằng thịt heo bằm, củ đậu sắt sợi, mộc nhĩ băm nhỏ, một trái trứng cút và ít gia vị. Nước chấm là nước vắt trái hanh, muối, bột ngọt và đường. Trên QL91 gần Châu Đốc.
Chỉ có vài phút sau khi tan trường, đám học sinh ăn sạch bánh khoai môn này. Nếu tôi đến trể, thì tôi đâu có học được món này. Hên quá, hihi.
Gỏi Sầu Đâu, một món ăn đặc sản của vùng An Giang.
Đến Châu Đốc tôi có dịp gặp anh Hoài, một nhà văn nổi tiếng ở đây. Anh ta sẽ hướng dẫn tôi hiểu biết về các món ăn miệt quê.
Chiều tối nay, anh ta đãi cho tôi món gỏi sầu đâu với cá lóc khô, dĩa gỏi gồm có, lá sầu đâu, lá húng lũi, xoài băm, dưa leo, khô cá lóc xé nhỏ và thịt ba chỉ luộc, rồi chấm với nước mắm me. (Lá sầu đâu là một loại lá xoan, mọc hoang dã, nhưng lá xoan ở vùng miền Trung thì ăn không được. Người dân ở đây cho rằng lá sầu đâu là phải hái bên cồn Châu Giang mới ngon. Lá sầu đâu ăn có vị đắng đắng và có hậu ngọt. Ngoài ra vào mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, người ta còn hái được hoa sầu đâu và cũng dùng chúng để bóp gỏi. Cũng có người vì không quen thuộc với vị đắng của chúng, thì họ đem trụng sơ nó qua.)
Sau này tôi tìm hiểu và biết thêm là lá Xoan của khu vực Bình Thuận hay những khu lân cận, cũng ăn có vị đắng như lá Sầu Đâu.
Kế tiếp là món cơm cháy với mắm kho quẹt,
Mắm thái với bún.
Anh chủ quán tên Hiền, trước kia là bếp trưởng của ks. Victoria Châu Đốc, tặng cho chúng tôi thêm món nem lá sung. Lúc này tôi biết thêm là lá sung khi già, nó sẽ nổi mụn như mụn cóc, lúc đó lá sẽ có vị chát hơn và ăn mới hợp gu.
Sáng nay anh Hoài đãi tôi món Bún Cá.
Anh ta cho quán ngon nhất tại đây là quán của cô Thảo nằm trước cửa nhà số 22 trên con đường Trưng Nữ Vương. Quán này chỉ bán vào buổi sáng. Tôi được biết là món này là của người Khmer, nhưng tại Châu Đốc, để đáp ứng khẩu vị Việt, người chủ quán chỉ dùng mắm ruốc để nấu món này, mắm ruốc họ gói trong lá chuối và nướng lên cho thơm, làm thế cho đỡ mùi tanh. Ngoài ra gia vị chính cho nồi nước lèo là củ ngãi bún, xả, tỏi và ít bột nghệ. Tại quán này thường thì người dân địa phương không đòi hỏi như dân Sài gòn, họ trụng luôn giá, rau muống chẻ, bắp chuối hột và húng quế vào chung với tô bún, sau đó họ mới cho thêm ít thịt cá lóc dằm và bông điên điển lên trên, tùy theo mùa (hết nước lũ, hết bông điên điển, trước kia người chủ quán còn có rau rút, nhưng sau này anh ta hiểu biết, thấy trong rau rút có nhiều trứng sán, mà anh ta không thể nào chắc chắn rửa rau sạch hết trứng sán được, vì thế mà tô bún ngày nay thiếu loại rau này). Khách có thể chọn ăn thêm nào là đầu cá lóc, thịt heo quay và chả lụa.
Thế là mới 11 giờ là chúng tôi bắt đầu nhậu tại miệt quê, gần ranh giới với Campuchia, xã Khánh An.
Rắn Bông Súng hầm Sả (trong đó có cả củ cải tươi, củ cải muối và đậu phọng). Tôi thì không hảo món thịt rắn cho lắm vì da rắn dai lắm, thịt rắn thì ít mà lại nhiều xương, nhưng nước súp thì ngon tuyệt.
Món ốc thì tôi cũng không mấy thích khi chấm mấm nêm, tôi thấy không hợp khẩu vị. Nhưng con ốc ở đây ngon là ở độ tươi.
Tôi được biết nguồn ốc bưu và ốc đít bằng tại đây đã cạn kiệt. Hiện giờ người ta phải chạy qua bên kia ranh giới và đi sâu vào đến gần ranh giới Thái Lan, họ mới đánh bắt được loại ốc này. Bên phía đối diện quán có một nhà chuyên thu mua ốc, và tôi có cơ hội qua đó trò chuyện và chụp vài tấm hình. Tôi biết thêm, phần lớn số ốc bưu mà họ thu mua tại đây, sau khi phân chia ra loại, họ vận chuyển về tới Hà Nội và lúc đó giá sẽ trở thành 130 ngàn một kg. Hèn chi cách đây gần 2 năm, tôi ăn một bát bún ốc, loe ngoe có vài con, mà phải trả giá 30 ngàn đồng, chắc bây giờ còn mắc hơn.
Nói về ốc anh Hoài cho tôi biết một món đặc biệt mà bây giờ chỉ là ký ức mà thôi. Hồi xưa, khi người ta chỉ trồng lúa có một mùa, mỗi lần cấy đất vào tháng 3, người ta bắt được những con ốc nằm trong ruộng, người ta chỉ cần rửa cho sạch bùn, rồi đem nặn ít chanh mà không có chanh thì vò lá rau răm hay lá rau om, rồi đem nhét vào con ốc. Thịt ốc sẽ chín và ăn giòn tan. Còn những con ốc mà bắt trong sông thì thiếu độ béo, sẽ không làm được món này. Giờ này ruộng lúa được canh tác đến 3 vụ, người ta nào dùng phân, nào dùng thuốc, thì những con ốc sống trên ruộng, sống không nổi nữa, thế là tôi sẽ không có dịp thưởng thức món này và cũng sẽ không ai được biết tới món này nữa.
Rồi sau này tôi cũng biết thêm một món, đó là họ bắt đám ốc mà họ cầy lên được, họ treo lên gác bếp để ăn dần cả vài tháng trời. Loại ốc này làm rất đơn giản, họ chỉ lấy xuống và bỏ trực tiếp vào nồi luộc. Những con ốc đấy lạ thây không chết mà vẫn sống tươi nguyên mà lại còn béo ngậy.
Món này tôi thấy coi như cũng đi vào dĩ vãng. 2 người bạn thân của tôi tại Long Xuyên, có thử làm cho tôi món này, mà chỉ sau 2 ngày treo bên giàn bếp, đám ốc lát đã chết thối quắc.
Ốc bưu mới được mang về từ Campuchia. Tươi và ngon, nhưng bà chủ quán không đưa nước mắm gừng, mà lại đưa mắm nêm, ăn chán chết.
Cá sặc phơi 1 nắng ngon lắm, béo ngậy.
Chúng tôi kêu thêm món lươn xào lăn để ăn thêm với cơm cho chắc bụng. Công nhận bà chủ quán này làm ngon, lươn đồng đàng hoàng, nhưng thiếu lá om.
Đều là đặc sản của Châu Đốc, nhưng sao lại lọt Me Thái ở đây nhỉ
Tại trước chợ tôi thấy một loại bánh rất đẹp mắt, mà người bán rong ngồi chiên tại chỗ cho tôi ăn. Đó là bánh Tổ Yến hay có người gọi là Tai Yến, cô bán bánh chỉ tiết lộ cho tôi biết là bột bánh gồm có hỗn hợp gạo xay, dừa và đường thốt nốt, tôi cũng quên hỏi là có bột nổi hay trứng gà trong đó không. Lúc chiên cô ta có một kỹ thuật chiên sao cho bánh có hình thù giống như một tổ yến, kỹ thuật đó cô ta không thể tiết lộ cho tôi biết được. Tôi ăn thấy bánh đó cũng hao hao như bánh bò nướng, chỉ hơi khác là dai hơn và trông đẹp mắt hơn, làm cũng công phu hơn.
Vừa chiên bánh và vừa cảnh giác, hễ mà bảo vệ chợ xuất hiện, là vọt. Ôi, ôi, nhớ thối tiền lại cho tôi nhé
Chỉ có Bà Giáo Khỏe mới là thương hiệu chính, nhưng giờ đây con cháu của bà cũng chia ra làm nhiều phe phái mà vẫn lấy thương hiệu của bà.
Mấy bà cô giáo khác, chắc thấy làm mắm có ăn hơn là nhận lương thầy giáo nên cũng bắt chước làm mắm, hihi.
Nơi đâu cũng mắm, thơm phức.
Đường thốt nốt.
Các loại bánh ở đây có vị ngọt đều từ đường thốt nốt.
Rồi cô bé bán bánh bò dẻo miệng cũng mời tôi ăn thử, bánh bò ở đây được làm với đường thốt nốt, nên có vị ngọt thanh.
Xong quay ngang thấy cô bán bánh tráng chuối nướng, tôi cũng mua thử 1 bịch. Cô ta dùng một loại bánh tráng ngọt làm bằng bột nếp và dĩ nhiên vị ngọt là từ đường thốt nốt, cô ta đem cắt miếng chuối xứ thật mỏng, rồi đem xếp lên miếng bánh tráng đó, sau đó đem phơi khô, xong mới nướng. Tôi ăn thấy giòn tan và ngon lắm, đáng liệt vào cuốn sổ ẩm thực dân gian của tôi.
Ăn xong, tôi ăn thêm một ly thốt nốt tươi. Để được thưởng thức 1 ly thốt nốt, tôi thấy công đoạn mà người chủ quán gọt để lấy được nhân, cũng khá công phu lắm. Miếng thốt nốt tôi ăn, thấy cũng tựa tựa như dừa nước, hơi khác là, trong trái thốt nốt cũng có ít nước và hương vị của nó ngon hơn là dừa nước.
Về lại nhà trọ, thì anh Hoài đến chở tôi đi ăn sáng, chơi luôn, không sao cả, mấy ngày nay tôi đạp xe, tôi thấy bụng mình có hóp vào một chút, chiếc quần nào giờ mặc cũng bị xệ xuống. Bữa điểm tâm sáng nay cũng là một điểm vỉa hè, hơi đối diện Bồ Đề Đạo Tràng. Nồi nước lèo của Bún Kèn là có nước cốt dừa, nước dừa, nước luộc cá và bột cà ri.
Tô Bún Kèn thì họ cũng trụng rau sống trong tô luôn (giá, rau húng cây và rau muống chẻ), rồi bún cá lóc dằm và chan nước lèo lên trên, khá đơn giản. Ăn có vị ngọt và vị béo từ dừa, rất lạ miệng.
Trưa nay thì tôi có dịp ăn trưa tại Bồ Đề Đạo Tràng, vì hôm nay là rằm tháng mười, họ làm lễ chay rất lớn. Mới có 10 giờ 30 sáng, mà khách đã ngồi chật kín hết sân chùa.
Các anh bồi bạn chạy tơi tả để kịp phục vụ cho lượng khách đông nghẹt này. Anh Hoài phải dắt tôi vào tận phía trong chùa, chúng tôi mới tìm được bàn trống để ngồi.
Thực đơn hôm nay nào có:
Kiểm (là các loại rau củ hầm chung với nước cốt dừa)
Gà nấu tiêu xanh
Xào thập cẩm
Lẩu thập cẩm
Cơm Dương Châu
Xườn xào gừng
Gỏi củ hủ tôm
Chả giò – Thịt đun (thịt đun có nghĩa là bò cuộn mỡ heo, rồi đem nướng. Đồ chay thì họ dùng tàu hũ ky cuộn với chao)
Rau câu
Thực đơn khá ấn tượng do nhóm nhà bếp tự đảm nhận, nhưng sao ăn chay mà tư tưởng vẫn hướng về món mặn thế???
Dẫu sao đi nữa thì tôi cũng được tham gia một bữa chay thanh đạm và rất ấn tựơng. Với cái bụng no nê, tôi quay lại nhà trọ ngủ một giấc trưa đã.
Tôi cũng không ngờ là món Bún Riêu Cua của người Bắc lại được người Nam ưa chuộng đến thế. Nhưng họ nấu hơi khác một chút, tại khu núi Sam.
Các quán chuyên về bò, tại khu núi Sam. Ở đây họ không bán một xuất bò bảy món như ở SG, mà bạn phải đặt từng món một.
Tôi chỉ đặt thử món lẩu bò, thật tình mà nói, không ấn tượng, thịt thì bị hầm mềm nhũn và có mùi gây gây, chắc là thiếu gừng.
Bữa ăn sáng nay là Cơm Tấm. Anh Hoài chở tôi đến quán cơm tấm Huệ, một quán ăn rất lụp xụp nhưng lại đông khách.
Dĩa cơm của tôi gồm có 1 miếng tôm càng nhỏ, ít bì, 1 miếng trứng, sườn nướng, ít mắm thái, đồ chua và hành phi. Hạt cơm tấm thì bé li ti và rời rạc, ăn rất ngon. Đây mới chính là cơm tấm.
Xoài Thanh Ca, rất thơm, vỏ lột được mà không cần gọt. Chỉ có huyện Tri Tôn mới có nhiều loại xoài này.
Muốn ăn món Bún Mắm, tôi hỏi thăm, mới biết chỉ có 2 sạp bên hông chợ, có món này mà thôi.
Rất tiếc món Bún Mắm Châu Đốc không có phổ biến như tôi tưởng. Tôi chỉ thấy có 2 quầy bán món ăn này, mà họ cũng không phải là dân chuyên món này, vì họ còn bán rất nhiều món khác.
Tô bún tôi kêu thử gồm có 1 miếng mực bé tý, 2 con tôm, 1 miếng thịt heo hầm và 2 miếng chả lụa chiên (không phải là chả quế đâu). Dĩa rau thì tôi thấy thiếu cả bông súng, nói chung là vị nước lèo thì ngon, nhưng những thứ phụ gia, thì tôi phải nói là thua tô Bún Mắm tại SG.
Theo tôi nghĩ tô bún Mắm mà mọi người biết tới ở SG, đó là một bản sao của món Lẩu Mắm. Còn nói về Miền Tây ăn Bún Mắm, thì tôi thấy cũng giống như tô Bún Nước Lèo lắm.
Chiều đến tôi chạy đến bến phà để đi qua Châu Giang. Tôi được biết bên đây có một khu giết bò lớn và phần lớn là chuyển về thị trường tại SG. Số bò của VN hiện nay không thể đáp ứng cho nhu cầu của thành phố vì thế mà phần lớn là bò được phía Campuchia chuyển qua. Tôi qua đây với mục đích là tìm biết thêm về món Tung Lò Mò, món xúc xích bò của người Cham. Tôi tìm thấy một quày treo bán món xúc xích bò này, tôi liền lại hỏi thăm. Mới đầu cô chủ quán còn hơi e ngại khi chia sẻ cho tôi biết về bí quyết làm món này, nhưng sau cùng cô cũng cho tôi biết là cách cũng khá đơn giản.
Họ chỉ băm thịt bò và mỡ bò cho lộm cộm, đừng nhỏ quá. Sau đó họ chỉ ướp với muối, tiêu, đường và bột ngọt, chỉ thế mà thôi. Xong họ đem dồn vào ruột bò hay ruột dê, rồi họ đem phơi chỉ một ngày nắng mà thôi.
Loại xúc xích này phải dùng liền, không thể để lâu như lạp xưởng được.
Ngày nay ai cũng có tủ lạnh, thì món này có thể để trong tủ lạnh vài ngày. Nếu ai thích có vị chua, thì người ta sau khi đem phơi nắng một hôm, người ta có thể treo xúc xích trong bóng mát từ 1-2 hôm, để cho xúc xích lên men cho có vị chua chua.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Labels
Popular Posts
-
Tôi chạy theo QL14 để tới Kon Tum vào chiều nay. Đoạn đường hôm nay không có ấn tượng gì, vì đang được sữa chữa, nên bụi mịt mù. Vì thế ...
-
Nếu nói về rau khô hay rau thơm khô, thì tôi thấy VN mình có ít sản phẩm lắm. Xứ mình chỉ có: dừa khô, xả khô, ớt khô, gừng khô, nghệ khô...
-
Nếu bạn được tặng1 cái lu, để mùa mưa hứng nước. Dzậy mùa không mưa, bạn dùng cái lu đấy làm gì? Cái lu cũng là cái chum, cũng là cái lú m...
-
https://www.facebook.com/ScienceNaturePage/videos/1308343825964539/UzpfSTEwMDAwNTU0NzQyNTkyMDo4NjYzNDMzNTY4OTM5MDQ/
-
Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin Anh NGUYỄN THANH TÙNG "Tùng Xích lô" Người nghệ sỹ ẩm thực Gã đầu bếp lãng du Một n...
-
Lá trầu, lá tiêu và lá lốt hơi có hình dáng giống nhau. Tui Tây gọi lá trầu và lá lốt cùng một tên, Betel leaf. Một lần ông anh họ ...
-
Bánh Hỏi An Nhứt. Từ trung tâm Bà Rịa chạy theo QL55 khoảng 8 km về hướng Bình Châu, bạn sẽ tới xã An Nhất, có người lại đọc là An Nhứt. ...
-
Xin hỏi có bác nào biết gì về trái ni không? Mới đầu tôi tưởng là dây chùm bát, nhưng nhìn gần thì thấy giống chanh dây. Để ngày mai sẽ mổ...
-
Hôm nay tôi xin giới thiệu các bạn về củ Sá Kiếng hay Xá Kiếng gì đấy. Tôi chỉ biết củ này có thể mua tại vài chợ, vùng Cholon thôi. Ngườ...
-
Chi rứa? Dạ thưa đầu cá bò gù đút lò, mà hiếm khi thấy lắm. Đút lò khác với nướng? Thịt sẽ không bị khô như nướng, có thể hứng nước cá tro...
Hix, bài này bị mất gần hết hình ảnh rồi a Tùng ơi, tiếc quá
Trả lờiXóa:), cám ơn bạn
Trả lờiXóa